Mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người thường mong gia đình có một cái tết ấm no, đủ đầy. Vậy tết ấm no, đủ đầy là gì?
Tết ấm no thời xưa
Vì tình hình giữa Ukraine và Nga căng thẳng, bà Vũ Tuyết Nhung (51 tuổi, ở thủ đô Kiev) phải di tản sang Đức. Nhắc đến một cái tết ấm no, đủ đầy bà có chút đượm buồn vì năm nay không thể đón tết cổ truyền trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Xa quê từ năm 1989 nhưng trong ký ức bà, không khí tết thời bao cấp rất ấm cúng và thiêng liêng. Thời đó, cuộc sống người dân nhiều khó khăn, mọi người phải tằn tiện chi tiêu để dành tiền cuối năm sắm tết cho gia đình.
Bà Nhung xa quê đã lâu nhưng luôn nhớ không khí tết Việt nvcc |
Với bà, tết ấm no luôn là ao ước của nhiều gia đình. Bố mẹ bà là giáo viên nên các con được hưởng chế độ tem phiếu, mua lương thực, thực phẩm. Ngày tết, số tem phiếu của gia đình dồn lại mua được 1 kg thịt theo tiêu chuẩn.
Giáp tết, mẹ bà thường chung với hàng xóm mua một con lợn để lấy thịt làm giò chả, nem và gói bánh chưng. Từ 20 tháng chạp, các phiên chợ đã đông đúc, nhộn nhịp, đầy đủ hoa đào, quất cảnh, gạo nếp, đậu xanh, măng miến, câu đối, bánh mứt… Năm nào bà cũng theo mẹ đi chợ sắm đồ tết.
Cành mơ được bà gắn thêm hoa đào giả cho có không khí nvcc |
“Nhiều nhà có điều kiện hơn đã sắm tết từ 23 tháng chạp, cúng ông Công, ông Táo. Con cháu cũng về quê dọn dẹp mồ mả, mời ông bà, cụ kỵ về ăn tết. Sau đó mọi người sắp xếp, trang trí lại nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Người Việt Nam có tục lệ “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để quét lại nhà cửa cho mới mẻ, xua tan vận xui năm cũ. Nhà tôi cũng làm như vậy”, bà nhớ lại.
Với bà Nhung, dịp tết không thể thiếu cành đào, hoa tươi nvcc |
Ngày tết, trên bàn thờ nhà bà Nhung luôn phải có lọ hoa tươi, mâm ngũ quả, hộp mứt và mấy chai rượu tết. Phòng khách có chậu quất với cành đào phai. Trên bàn không thể thiếu lọ hoa thược dược đỏ, hoa violet tím…
Năm 2019, bà Nhung về quê ăn tết sau nhiều năm sống ở nước ngoài nvcc |
“Nhà tôi thường gói bánh chưng vào khoảng 25 – 27 tết. Trước đó, mẹ mua ống giang về chẻ lạt, ngâm đậu, vo gạo, rửa lá để gói bánh. Tôi là con gần út nên phải giúp mẹ và các chị làm bánh. Bao giờ mẹ cũng gói riêng mấy cặp bánh tét tí hon, buộc dây để trên cùng cho nhanh chín. Mấy đứa bé nhất nhà mỗi người một chiếc. Chiều 30 tết, nhà tôi làm cơm cúng tất niên trên bàn thờ gia tiên, một mâm ngoài sân. Nhà tôi gần chùa nên mẹ cũng đội một mâm lên để cúng ở đó nữa”, bà chia sẻ.
Tết ấm no là các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau nvcc |
Bà Nhung xa quê đã hơn 3 thập niên. Bà thường về thăm gia đình vào dịp hè vì ở Ukraine các con không được nghỉ học vào Tết Nguyên đán như ở Việt Nam. Sau bao nhiêu năm xa nhà, bà đón cái tết đầu tiên ở quê hương năm 1995 rồi tết thứ hai năm 2019. Đó là cái tết đầu tiên nhà bà đoàn tụ đông đủ con cháu và cũng là cái tết cuối cùng bà còn bố.
Dù xa quê nhưng nề nếp, gia phong và nét văn hóa gia đình vẫn giữ. Bà chuẩn bị gạo thịt gói bánh chưng, làm giò chả, làm mứt, chặt cành mơ rồi gắn hoa đào giả vào… Bà hy vọng các con cảm nhận được không khí cũng như nét đẹp của tết cổ truyền Việt Nam.
Với bà, cái tết ấm no của thời bao cấp là có được nồi bánh chưng, mấy con gà và mấy kg thịt. Các thành viên trong gia đình được sắm bộ quần áo, đôi dép mới để diện ngày tết.
Du học sinh, Việt kiều Canada tưng bừng ăn tết: Ấm lòng dù xa quê hơn 11.000 km! |
Tết ấm no thời nay
Theo bà Nhung, đất nước phát triển, các gia đình có điều kiện hơn nên tết ấm no cũng được hiểu theo nghĩa khác. Nhiều gia đình có con cái đi làm ăn, lập nghiệp ở xa bố mẹ chỉ mong cái tết con cháu tụ tập đông đủ. Cả nhà cùng quây quần ăn bữa cơm ngày cuối năm là một hạnh phúc lớn. Mỗi gia đình, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên quan niệm về cái tết ấm no không giống nhau. Tuy nhiên, sự ấm no, đủ đầy theo nghĩa đen không hẳn đã phù hợp với nhiều người.
Xa quê, bà Nhung cũng chuẩn bị mâm cơm với nhiều món truyền thống vào dịp tết nvcc |
Chị Đỗ Thị Hoa Hồng (23 tuổi, ở Thái Nguyên) làm nhân viên văn phòng. Mỗi dịp tết đến, chị luôn sắp xếp công việc về quê đón tết cùng gia đình. Chị cho hay, tết ấm no là có tiền để mua sắm đồ trong nhà, biếu ông bà, bố mẹ.
“Mình chưa lập gia đình nên nghĩ về một cái tết ấm no khá đơn giản. Đó là tự tay sắm cây quất, cây đào trong nhà. Mình nghĩ có tiền thưởng tết lớn sẽ có một cái tết trọn vẹn, được mua những món đồ mình thích”, chị nói.
Ai cũng mong gia đình có một cái tết ấm no nvcc |
Ngoài ra, chị luôn mong bản thân vui vẻ, hạnh phúc và có một công việc ổn định. Tết ấm no cũng là khoảng thời gian không phải lo nghĩ nhiều, vô tư đón tết.
Chị Nguyễn Minh Ngọc (27 tuổi, ở Hà Nội) là nhân viên công ty truyền thông. Với chị, một cái tết ấm no hạnh phúc là được quây quần bên gia đình, có nhiều tiền để thoải mái mua sắm.
“Ngoài đón cái tết ấm cúng gia đình, tôi cũng mong có thưởng tết cao để có một chuyến du lịch xa, bù lại cả năm vất vả. Tết nhiều thứ phải chi tiêu nên nếu lương thưởng cao mình sẽ thoải mái mua sắm, yên tâm đón tết”, chị bày tỏ.