Lâu nay, mọi người thường tranh luận về việc nên quản lý khoản tiền lì xì tết của con trẻ như thế nào cho hiệu quả.
Lì xì cho trẻ bằng tiền mỗi dịp tết là một tập tục văn hóa hàm chứa bao điều tốt đẹp, sự may mắn, tình cảm và niềm vui… Mỗi dịp tết, con trẻ thường “gặt hái” được một khoản tiền lì xì có khi lên tới nhiều triệu đồng.
Lâu nay, mọi người thường tranh luận về việc nên quản lý khoản tiền lì xì tết của con trẻ như thế nào.
Một số gia đình cho rằng cha mẹ nên nắm giữ hết tiền lì xì của trẻ. Trong khi đó, một số bậc cha mẹ cho rằng tiền lì xì thuộc sở hữu của con…
Một số bậc phụ huynh còn đề xuất: nếu con còn nhỏ thì cha mẹ quản lý, “cầm hộ” tiền lì xì, còn nếu con đã lớn (từ tuổi thiếu niên trở lên) thì để tự các con nắm giữ và chi tiêu…
Còn trong gia đình tôi, cha mẹ (đều gần 80 tuổi) từ lâu đã định hướng rõ ràng về vấn đề quản lý tiền lì xì của con cháu. Tôi xin chia sẻ cách làm từ bố mẹ tôi để khoản tiền lì xì của trẻ không bị lãng phí, mà ngược lại nó được tích cóp và sinh lời…
Cha mẹ tôi sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái). Tôi lấy chồng, sinh được 3 con, thì 2 anh trai tôi cũng sinh mỗi người 3 con.
Lúc cha mẹ còn công tác, có nhiều khách khứa thường tới nhà chúc tết. Tôi còn nhớ, khi còn bé, số tiền lì xì của tôi và anh chị năm nào cũng đều do cha nắm giữ.
Thế nhưng, cha mẹ không tiêu số tiền lì xì mà lập cho mỗi đứa con một sổ tiết kiệm ở ngân hàng.
Khi các anh chị em tôi qua tuổi 18, cha mẹ rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm để trao trả cho các con. Tôi còn nhớ năm đó cha mẹ đưa cho tôi gần 20 triệu đồng (thời đó đủ để sắm 4 cây vàng).
Khi đó, cha mẹ định hướng tôi mua một chiếc xe gắn máy để có phương tiện đi học, số tiền còn lại thì dành dụm để chi tiêu khi vào đại học.
Nhìn lại, anh chị em chúng tôi được cha mẹ định hướng gửi tiết kiệm từ nhỏ để không tiêu tiền lãng phí như những người bạn cùng thời.
Có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề quản lý tiền lì xì của con trẻ
CẨM TUYẾT |
Thời trẻ của tôi là vậy. Khi các con của tôi và anh chị tôi ra đời thì cha mẹ cũng “định hướng” quản lý tiền lì xì bằng cách lập sổ gửi tiết kiệm.
Cha tôi nói: “Nhà người khác cho con nắm giữ tiền lì xì nhưng gia đình chúng ta phải quản lý, không cho con trẻ tiếp xúc với tiền sớm, tiêu pha bừa bãi, như vậy không chỉ lãng phí mà còn hư hỏng…”.
Vì thế, cha mẹ tôi đều lập cho 9 đứa cháu nội-ngoại, mỗi đứa một sổ tiết kiệm ngay từ lúc chúng ra đời rồi ông bà cất giữ, quản lý cho đến khi các cháu khôn lớn.
Mỗi dịp tết, sau khi gom hết số tiền lì xì của các cháu, cha mẹ tôi đều cho thêm mỗi cháu bất kể nội-ngoại, mỗi đứa 2 triệu đồng, rồi gửi vào sổ tiết kiệm.
“Ông bà còn sống năm nào thì cứ tết là trích từ khoản lương hưu cho thêm các cháu mỗi đứa 2 triệu để gửi kèm với tiền lì xì vào sổ tiết kiệm. Khi nào ông bà mất hết thì sổ đứa cháu nào giao trả cho cha mẹ chúng nó. Sau 18 tuổi, lúc đó quyền quản lý sẽ thuộc về các cháu…”, mẹ tôi nói.
Tôi nghĩ rằng đây là cách hướng con trẻ biết tiết kiệm. Đến tuổi trưởng thành số tiền trong sổ tiết kiệm qua các năm có thể đủ để con cháu mua được chiếc xe gắn máy hoặc chi dùng vào nhiều việc có ích.
Đối với con gái út của tôi dù năm nay mới 7 tuổi nhưng sổ tiết kiệm tiền lì xì đã lên đến hơn 30 triệu đồng. Còn con trai đầu lòng (12 tuổi) và con gái thứ 2 (9 tuổi) của tôi, mỗi đứa dư giả hơn 50 triệu đồng.
Tôi tin rằng, nếu tiết kiệm tiền lì xì đều đặn như vậy thì các con tôi lúc đến tuổi trưởng thành, mỗi đứa sẽ có ít nhất vài trăm triệu đồng.